Người nào ốm “tương tư” thì khi gặp người trong mộng, vầng sáng cơ thể họ bên mờ bên tỏ. Những tay nát rượu khi nâng cốc lên thì quầng sáng ở các đầu ngón tay chuyển sang trắng bệch, ảm đạm.

Loài người có một thứ ngôn ngữ bí ẩn mà không phải ai cũng nhận biết và giải mã được - đó là vầng sáng phát ra từ cơ thể. Vầng sáng mỗi người phản ánh sức khỏe, tâm lý, đời sống tình cảm và nhiều vấn đề khác.

Năm 1911, bác sĩ Wart Kielna, người Anh, đã nghĩ ra cách nhuộm lên kính pha lê loại thuốc màu Dyad-cyanine để chụp vầng sáng do cơ thể người phát ra. Từ cách làm của Kielna, người ta có thể tận mắt chứng kiến xung quanh cơ thể con người có một vầng sáng rộng chừng 15 mm rất sặc sỡ, đẹp lạ kỳ, lúc ẩn lúc hiện.

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học đã đổ xô vào nghiên cứu vấn đề bí ẩn và còn rất mới mẻ này. Đến thập niên 80, áp dụng thành tựu kỹ thuật cao, các nhà khoa học đã công bố nhiều kết quả bất ngờ. Người Nhật Bản sử dụng thiết bị multiplier quang điện tử có độ nhạy sáng rất cao, chuyên dùng để đo ánh sáng yếu, kết hợp với thiết bị hiện hình trong y học, đã đo thành công và cho hiện hình vầng sáng do cơ thể người phát ra. Tại Viện khoa học ảnh Cộng hòa liên bang Đức hiện còn lưu trữ khoảng 80.000 bức ảnh về vầng sáng của cơ thể người.

Về nguyên nhân sinh ra vầng sáng cơ thể, mỗi nhà khoa học có cách lý giải riêng. Một số cho rằng đó là do các tế bào trắng có trong cơ thể phát quang. Số khác lại coi đó là kết quả sự tổng hợp giữa xạ tuyến và một loại vật chất nào đó có trong không khí. Cũng có người cho rằng vầng sáng này là biểu hiện trường sinh học của các cơ quan tạng phủ, các mô sống, là sự bức xạ năng lượng sinh học của cơ thể với môi trường xung quanh...

Căn cứ vào các kết quả “chụp” vầng sáng, các nhà khoa học kết luận rằng, nó có màu sắc và độ mạnh yếu khác nhau tùy theo vị trí cơ thể, tuổi tác, tình hình sức khỏe, trạng thái biểu cảm...

Ví dụ, ánh sáng ở phần đầu có màu lam nhạt, ở cánh tay là màu xanh da trời. Độ sáng ở tay, chân mạnh hơn ở cánh tay, đùi và thân. Ở trạng thái bình thường, vầng sáng phát ra màu lam nhạt; khi tức giận màu vàng chanh; khi sợ hãi biến thành da cam. Vầng sáng của một thanh niên khỏe mạnh sáng hơn nhiều so với trẻ em và người già; của các vận động viên, nhà tu hành hoặc luyện khí công sáng người bình thường cùng lứa tuổi...

Giáo sư Tojobufu, Đại học Đông bắc Nhật Bản, khi dùng loại máy tính chính xác tới số đơn foton để nghiên cứu đã ngỡ ngàng nhận thấy, vầng sáng còn có thể cho biết những thông tin quan trọng về đời sống của cơ thể. Thậm chí, người ta vừa ăn uống những món khác nhau, vầng sáng phát ra cũng khác nhau. Qua quan sát, ông thấy rằng, vầng sáng của người Bắc Âu và người Bắc Mỹ khá mạnh do mức sống cao, còn của người Châu Phi và Nam Mỹ thì tối hơn do nghèo khổ.

Vầng sáng cơ thể cũng có thể tố cáo những kẻ nghiện ngập. Những tay nát rượu khi bắt đầu nâng cốc lên thì vầng sáng các đầu ngón tay chuyển sang màu trắng bệch, nhợt nhạt, ảm đạm, luôn nhấp nhoáng và không có sức sống. Ở người chỉ hút vài ba điếu thuốc lá mỗi ngày, vầng sáng cơ thể họ vẫn giữ được bình thường, nhưng khi hút nhiều hơn thì vầng sáng cơ thể cứ nhảy nhót, không hài hòa. Nếu là dân nghiện thực sự, vầng sáng sẽ lệch tâm khi tiếp xúc với đầu ngón tay.

Ở những đôi nam nữ khi đang yêu nhau, vầng sáng cơ thể họ có dấu hiệu quấn quýt lẫn nhau. Một học giả người Mỹ đã dùng một loại máy đo vi quang kỹ thuật cao để quan trắc các đôi nam nữ chụp ảnh cưới và phát hiện ra rằng, khi họ dắt tay nhau chụp ảnh, vầng sáng ở đầu ngón tay của nữ cực sáng và lấn sang cả đầu ngón tay của nam. Mỗi khi họ ôm hôn nhau, giữa họ là một vầng sáng kỳ diệu đan xen lấy nhau rất rực rỡ.

Điều lý thú là, nếu một người nào đó ốm tương tư thì khi gặp đối tượng, vầng sáng của họ bên mờ bên tỏ, bên mạnh bên yếu. Vì thế các nhà khoa học cho rằng, chỉ cần quan sát vầng sáng cơ thể là có thể biết được người chưa hoặc sắp xây dựng gia đình, giữa họ có yêu nhau thực sự hay không.

Các bác sĩ Nhật Bản đã đi tiên phong khi áp dụng hiểu biết về vầng sáng vào y học để giữ gìn sức khỏe cho con người. Dựa vào những tín hiệu ánh sáng lạnh phát ra từ cơ thể, chẳng những họ phán đoán được tình trạng sức khỏe mà còn chẩn đoán bệnh tật mà cơ thể đó đang mang. Vì thế, vầng sáng cơ thể được coi như một ô cửa để phán đoán sức khỏe con người.

Khi con người khỏe mạnh, vầng sáng cơ thể có hiện tượng như “quầng mặt trời”, nghĩa là có màu đỏ. Khi vầng sáng có màu xám tối chứng tỏ cơ thể đang bệnh tật, ốm yếu.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, những người bị bệnh ung thư có bản năng về ánh sáng sinh vật rất lớn. Sự phát hiện này đã mở ra phương pháp mới về chẩn đoán ung thư. Theo họ, máu và nước tiểu của bệnh nhân ung thư có khả năng phát sáng mạnh gấp nhiều lần người khỏe. Để kiểm tra xem bệnh nhân có bị ung thư phổi không, người ta cho hít loại khí chuyên dụng, nếu ở phổi có tổ chức tế bào ung thư, nó sẽ phát ra một vầng sáng dạng sương mù đặc biệt.

Có nhà khoa học còn dùng vầng sáng vào lĩnh vực nghiên cứu tội phạm, bởi vì cơ thể sẽ phát ra những quầng khác nhau khi có thay đổi về ý hướng hành động, phương thức tư duy của đại não. Chẳng hạn, nếu một người ý có định hành hung, đầu ngón tay họ sẽ phát ra vòng ánh sáng màu đỏ. Ở người có dự cảm sẽ bị xâm phạm, trên cơ thể bỗng xuất hiện quầng sáng màu trắng xanh. Đối với phạm nhân, cũng có thể giám sát qua vầng sáng. Ví dụ khi phạm nhân định nói dối, vầng sáng cơ thể sẽ xuất hiện những đốm bảy sắc cầu vồng nhấp nhoáng...

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

0 comments

Post a Comment