Tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM trong sáu tháng đầu năm nay có trên 10.000 ca mổ lấy thai (MLT). Nhiều người còn cho rằng sinh mổ vừa đỡ đau, an toàn... Tuy nhiên, TS BS Vũ Thị Nhung - giám đốc BV Hùng Vương - cho biết:

Nhiều sản phụ lầm tưởng MLT là an toàn tuyệt đối, nhưng trên thực tế tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở MLT lại cao hơn so với sinh thường. Nguyên nhân của những nguy cơ trong MLT là do tai biến khi gây tê, gây mê, vết mổ bị rách rộng gây chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch, và đặc biệt là nhiễm trùng.

Nhiễm trùng vết mổ tử cung sau mổ sinh thì sản phụ có thể bị băng huyết vài tuần sau. Nhiễm trùng mổ khiến vết mổ không lành, có khi gây hoại tử cơ tử cung, muốn cầm máu và chấm dứt nhiễm trùng có khi phải cắt bỏ tử cung. Đây là một biến chứng nặng, nhất là đối với người mới sinh lần đầu vì như vậy họ sẽ không còn khả năng mang thai lần nữa.

Tai biến xa về sau còn phải kể đến bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.

Ở đây tôi cũng muốn lưu ý với các sản phụ là sẹo mổ trên tử cung có thể nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, nhất là trong các trường hợp giữa hai lần mang thai quá gần (vết mổ chưa đầy hai năm đã có thai lại).

Với các sản phụ đã sinh mổ lần một, đa số không dám để sinh thường lần hai. Do khi bước vào chuyển dạ, một số cơn gò đã làm bung tử cung nên chỉ một số cơ sở y tế có điều kiện mới dám để theo dõi cho sinh thường, còn hầu như trên 90% phải MLT. Muốn để sinh thường còn tùy chất lượng của sẹo mổ lần trước có tốt không, nguyên nhân của lần phải mổ trước (sa dây rốn, nhau tiền đạo thì cho sinh thường, còn nếu do khung chậu hẹp thì lần này vẫn phải mổ).

Tóm lại, MLT là một kỹ thuật rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên nó có những nguy hiểm nhất định và có ảnh hưởng đến tương lai sản khoa của người mẹ. Vì vậy cần cân nhắc thật kỹ khi có chỉ định MLT để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.

- Vậy theo BS khi nào mới cần MLT?

- Các chỉ định MLT thông thường là: mẹ có khung chậu hẹp, lệch; dị dạng đường sinh dục; bất thường cơn co tử cung, sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ mà không có điều kiện sinh ngả âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung... Về phía thai nhi: do thai to, ngôi thai bất thường, thai suy, mạng sống thai nhi trong tử cung bị đe dọa (vỡ ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá ngày...); hoặc do phần phụ của thai như: sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non.

MLT là để cứu mẹ trong những trường hợp mẹ bị bệnh lý rất nặng, nếu để kéo dài thai kỳ có thể tử vong do sản giật, tiền sản giật nặng, bệnh tim... Hoặc khi thai bị suy, nếu để tiếp tục có thể chết nên phải can thiệp đưa ra ngoài, may ra có thể cứu sống.

- Nhưng một số người tin thầy bói muốn mổ đúng ngày, giờ để tương lai con mình tốt như trong lá số?

- Thai đủ tháng phải 38-40 tuần nhưng có người đi coi ngày, mổ khi 36-38 tuần. Thai còn non mà mổ ra may mắn không có gì thì không sao, nhưng cũng có những nguy cơ của thai non tháng như: nếu hô hấp bé không tốt thì dễ bị suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng do sức đề kháng kém hơn những bé đủ tháng. Bé non tháng có nhiều biến chứng như bệnh võng mạc sơ sinh, xẹp phổi...

Bệnh võng mạc sơ sinh gây mù ở trẻ non tháng, nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ mù luôn. BV Hùng Vương đã cấp cứu nhiều bé non tháng suy hô hấp từ tuyến dưới chuyển lên. Để nuôi được những trẻ này nhiều hên xui may rủi, có những bé non quá đành chịu! Ngược lại, thai quá ngày cũng nguy hiểm, có thể bị suy hô hấp...

Có trường hợp "thai quí”, 26 tuần đã vô BV dưỡng thai, đến 32 tuần MLT. Lúc đầu bé bình thường. Khi 1 tuổi thấy bé đứng chân kiễng lên, đến 2 tuổi vẫn không đi được phải tập vật lý trị liệu, nhưng rồi chỉ đi lết lết trong khi thần kinh phát triển rất tốt. Có trường hợp MLT chủ động, bé ra đời rất bình thường nhưng vài giờ sau suy hô hấp chết không rõ tại sao.

- Mổ theo yêu cầu của sản phụ, nên không?

- Trong lúc chuyển dạ, do đau đớn nhiều nên sản phụ thường muốn mổ để cuộc sinh chấm dứt sớm hơn. Nhưng với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, giảm đau sản khoa có thể khắc phục được những cơn đau đẻ, giúp bà mẹ bình tĩnh chờ đợi sự ra đời của đứa con một cách tự nhiên nếu không có những trở ngại gì khác. Tôi xin có lời khuyên: tuyệt đối không nên vì tin dị đoan vào bói toán mà MLT không cần thiết. Nhớ rằng MLT không phải là một phẫu thuật an toàn mà nó vẫn có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và con. Tại BV Hùng Vương chúng tôi yêu cầu BS không được MLT theo yêu cầu của sản phụ và phấn đấu để tỉ lệ MLT dưới 30%.

Nên nhớ theo dõi một ca sinh thường là một kỳ công, có khi phải hàng chục giờ. Còn MLT thì BS không phải theo dõi, ít tốn thời gian và nhận tiền công cao hơn. BN tốn kém chi phí cho cuộc mổ, sau mổ vì phải sử dụng kháng sinh nên ngại cho con bú, nguồn sữa tự nhiên sẽ giảm và phải mua sữa...

Nước giàu giảm sinh mổ

BV Sản Nhi ở Singapore nghiên cứu theo dõi trẻ sanh non tháng, cho thấy càng non chừng nào thì tỉ lệ bất thường càng cao, 60% bị khuyết tật thần kinh. Thai càng lớn tuổi hơn thì tỉ lệ khiếm khuyết ít hơn.

Ở các nước tiên tiến có khuynh hướng ngày càng giảm MLT, còn ở ta thì tỉ lệ này ngày càng tăng, một phần do đã MLT lần một thì khi sanh lần hai lại phải MLT.


Tuổi Trẻ

0 comments

Post a Comment