Dừa tươi trắng nõn nhờ ngâm thuốc tẩy của Trung Quốc


Dừa tươi sau khi gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài sẽ được ngâm vào hóa chất tẩy trắng độc hại được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc, bán ở chợ Kim Biên (P.13 - Q.5) để được tươi lâu và không bị ố vàng.



Dừa trắng nõn nhờ hóa chất Trung Quốc


Dọc theo nhiều tuyến đường của TP.HCM, rất nhiều các loại nước giải khát được bày bán như: nước sâm, nước đắng, si rô… Trong đó, trái dừa tươi là một mặt hàng hút khách vì được cho rằng đảm bảo vệ sinh do lượng nước bên trong luôn “khép kín”. Vì thế, ít ai có thể hình dung ra rằng nó sẵn sàng bị xâm nhập bởi các loại hóa chất độc hại.


"Bí kíp” bảo quản để dừa sau khi gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài mà vẫn không bị ố vàng và tươi được hàng tuần của người bán là ngâm chúng vào một loại dung dịch hóa chất (không có tên hóa học) thường được gọi là chất tẩy trắng.


Và đây được xem là chất không thể thiếu đối với người bán loại nước giải khát này. Ông Nguyễn Văn Hải, bán dừa trên đường Hồng Bàng (Q.5) cho biết, hóa chất tẩy trắng được coi là “bài học nằm lòng” của những người bán dừa tươi vì không có nó thì không được. Nhờ loại hóa chất này mà dừa giữ được độ trắng và tươi rất lâu.


Thông thường, mỗi người bán dừa tươi đều có một chiếc thùng đựng khoảng nửa xô nước để ngâm dừa. Đó là thùng dung dịch hóa chất dùng để ngâm dừa.


Nhờ được ngâm mình trong hóa chất mà dừa được trắng đẹp và tươi lâu. Ảnh: Thu Hòa



Cũng theo ông Hải, kinh nghiệm truyền miệng của các “đồng nghiệp” về cách sử dụng loại hóa chất này cũng khá đơn giản. Chỉ cần một lượng hóa chất dạng bột được gọi là chất tẩy trắng (2 muỗng nhỏ cafe) pha với chừng 10 lít nước lạnh sẽ cho một dung dịch đủ dùng để ngâm khoảng 30 trái dừa đã được cắt bỏ lớp vỏ bên ngoài.

Anh Trần Quang Thành, bán dừa tươi trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) cho rằng: Thời gian ngâm dừa trong nước hóa chất chỉ nên kéo dài khoảng 15 phút là phải vớt ra vì để lâu hơn, hóa chất sẽ ngấm nhiều vào bên trong nên khi uống sẽ cảm nhận được mùi hôi khó chịu; nếu ngâm hơn 6 tiếng sẽ không thể uống được vì quá hôi.

Sau khi ngâm vớt ra để khoảng 2 ngày mà không bán được dừa sẽ trở lại màu vàng, khi đó lại tiếp tục bỏ vào thùng hóa chất ngâm khoảng 15 phút nữa rồi vớt ra, cứ như vậy dừa sẽ tươi được khoảng 2 tuần. Mỗi ngày chỉ cần bổ sung lượng hóa chất (2 muỗng cafe) tương tự vào dung dịch đang dùng là có thể sử dụng tiếp. Cứ như thế khoảng hơn nửa tháng thì mới thay nước một lần.



Hóa chất không nhãn mác


Trong vai một người mua hóa chất về ngâm dừa, PV nhận được sự săn đón nhiệt tình của chủ cửa hàng Cô Tám (kinh doanh hóa chất trong chợ Kim Biên). Chủ cửa hàng cho biết, hóa chất này có hai loại, phải dùng kèm dạng bột và dạng hột trộn chung với nhau thì mới có hiệu quả.


Cửa hàng với diện tích chưa đến 8m2 nhưng chứa đầy đủ các mặt hàng hóa chất như: làm giòn giò chả, hương trái cây, nước xả vải, làm dai bún…


Hóa chất tẩy trắng dùng để ngâm dừa tươi không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ được bày bán ở chợ Kim Biên. Ảnh: Thu Hòa


Sau một hồi mời chào, ra giá, khách hàng đồng ý mua 2kg bột hóa chất tẩy trắng với giá 35.000 đồng, người bán vội vàng chạy vào trong lấy ra 2 bọc (1 dạng bột, 1 dạng hột nhỏ) trần trụi không hề có nhãn mác được cột dây thun đưa cho khách.


Khi được thắc mắc về tên gọi hóa học, thành phần các chất, cách sử dụng, liều dùng tối đa..., chủ cửa hàng bảo cứ gọi là chất tẩy trắng, có xuất xứ từ Trung Quốc.


“Chất này được đóng bao vài chục ký nhưng vì khách hàng chỉ có nhu cầu mua lẻ nên chúng tôi phân ra mỗi bọc 1kg để dễ dàng sử dụng thì lấy đâu ra nhãn mác mà cung cấp cho quý vị?” – bà chủ cửa hàng Cô Tám lý giải về nguyên nhân sản phẩm không có nhãn mác. “Yên tâm đi, người nào bán dừa cũng đều mua như vậy hết!"


Bác sĩ Nguyễn Văn Ký – phụ trách An toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam (Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam) cho biết: Những loại hóa chất tẩy trắng rẻ tiền thường là hóa chất công nghiệp và không được phép có mặt trong thực phẩm.


Bên cạnh đó, vì hóa chất thực phẩm (được phép dùng trong thực phẩm) có giá thành cao gấp vài chục lần so với hóa chất công nghiệp nên thông thường người ta hay sử dụng hóa chất công nghiệp rẻ tiền này để dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm nhằm thu về lợi nhuận cao..


Hóa chất bày bán ở chợ Kim Biên có nhãn mác chỉ để che chắn cho các loại không rõ xuất xứ được cất giấu bên trong. Ảnh: Thu Hòa


Đồng thời, những loại hóa chất công nghiệp không rõ nguồn gốc trên thường có xuất xứ từ Trung Quốc nên thành phần hóa học rất phức tạp, bao gồm nhiều loại nguy hại.


Vì vậy, khi loại hóa chất này đi vào cơ thể dù số lượng nhiều hay ít đều có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người sử dụng. Nếu là hóa chất có độc tố cao thì nhiều nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm, nôn ói, chóng mặt, bệnh tiêu chảy… Sử dụng lâu dài sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vì chất độc tích tụ trong cơ thể.


Theo bác sĩ Ký, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, để đảm bảo sức khỏe, người dân chỉ nên sử dụng các loại nước giải khát có nguồn gốc rõ ràng. Nếu uống dừa tươi thì chọn trái vẫn còn nguyên vẹn chỉ chặt ra lúc có khách đến mua, chưa bị gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài. Khi phát hiện nước dừa có mùi lạ thì tuyệt đối không sử dụng, đặc biệt đối với trẻ em vì hệ tiêu hóa còn yếu.

Sưu tầm

0 comments

Post a Comment